Nhìn vẻ mặt khắc khổ, phong trần với bộ quân phục đã cũ và mái tóc bạc trắng, ông Nguyễn Hữu Lạn, 74 tuổi, trông không ra dáng một tỷ phú chút nào. Nhưng ông đang có trong tay một công ty xuất khẩu mây tre với gần 300 công nhân và doanh thu mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Lạn sinh năm 1930, tại phường Bồ Xuyên, Thái Bình. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã sớm ý thức được cái nghèo của mỗi người thân yêu trong gia đình. Khi đang học năm thứ 2 trường Đại học Nông nghiệp, ông xung phong vào quân ngũ, chiến trường ác liệt đã tôi luyện cho ông sức dẻo dai của một người lính.
Sau gần 20 năm lăn mình trong quân ngũ, ông trở về làng với hai bàn tay trắng, không một đồng vốn trong tay. "Lúc bấy giờ trong đầu tôi luôn đặt ra câu hỏi phải làm gì bây giờ, chiến tranh ác liệt mình còn chịu được, chấp chi thời bình", ông Lạn nói. Ông bắt đầu làm tất cả các việc trong gia đình như cấy lúa và tăng gia sản xuất. Cả 6 sào ruộng mỗi vụ cho trên 1 tấn thóc bán đi cũng không ăn thua. "Cẩn thận ghi chép nguồn thu nhập của từng vụ, tôi mới thấy rằng chỉ có một cái nghề nào đó, cuộc sống mới khá giả hơn", ông kể.
Năm 1983, từ nguồn vốn ít ỏi nhờ vay thế chấp ngân hàng, cùng với tay nghề đã được học từ các anh em trong quân ngũ, ông quyết định thành lập tổ sản xuất tre đan. Quyết định này của ông đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những người thân trong gia đình. Ngay cả hàng xóm và bạn bè cũng không mấy người tin tưởng.
Các địa phương gần Thái Bình như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam... đều là những vùng trồng nhiều tre, nứa. Đây là nguồn nguyên liệu sẵn có, dễ trồng, chỉ cần thu gom tại các hộ gia đình trong các làng cũng đủ. "Nhất là rất ít người sử dụng cây tre vào các sản phẩm thủ công nghiệp, do vậy, lúc bấy giờ chỉ có các sản phẩm này là hợp lý", ông nói.
Sự nỗ lực của ông đã được đền đáp xứng đáng, toàn bộ sản phẩm của tổ sản xuất đã được Công ty ngoại thương Thái Bình thu mua. "Đầu xuôi đuôi lọt", tổ sản xuất bắt đầu kết nạp thêm thành viên, 20 hộ gia đình đã tự nguyện tham gia. Hằng ngày, mỗi người trong tổ cứ luân phiên nhau đổ về các làng xã để thu mua nguyên liệu, số khác ở lại vừa học nghề vừa sản xuất. Với phương châm người có nghề dạy cho người chưa biết để cùng nhau tiến bộ, sau hai năm, tổ sản xuất của ông kết nạp thêm 12 hộ mới từ các xã.
Ông bắt đầu có những bước đi táo bạo hơn là mở rộng thị trường xuất khẩu hàng sang một số nước. Đầu tiên là việc quan tâm đến mẫu mã sản phẩm qua đài, báo, và tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Lô hàng đầu tiên của ông xuất khẩu sang Singapore (năm 1998) đã thất bại, tổn thất không nhỏ nhưng ông Lạn đã rút ra được bài học rất lớn, đó là hàng xuất khẩu phải đảm bảo được yếu tố chất lượng và nhất thiết phải xây dựng cho mình một thương hiệu.
Đầu năm 2002, ông quyết định thành lập Công ty mây tre đan xuất khẩu Hữu Nghị với 11 cơ sở sản xuất ở 6 huyện thị trong tỉnh. Đồng thời, ông mua thêm 3.000 m2 để xây trụ sở giao dịch nhà xưởng, nhà kho, lò sấy. Ông Lạn cho rằng, điều quan trọng giúp ông vượt qua thất bại đó chính là niềm tin của gần 40 hộ gia đình đã dành cho ông. 72 tuổi, không cho phép ông mắc thêm sai lầm, con đường sang trời Tây của ông đã được tính kỹ từng bước dày dạn hơn. Kết quả là giữa tháng 12/2002, sản phẩm bàn ghế bằng mây tre lần đầu tiên đã được xuất khẩu sang Đức trị giá trên 3 tỷ đồng. Số tiền không lớn nhưng bù lại ông được nhiều người biết đến và công ty thu hút thêm được nhiều người lao động.
Hiện công ty có 200 thợ làm việc thường xuyên có tay nghề cao với mức lương trung bình là 600.000 đồng/người. Ngoài ra, còn có trên 1.000 lao động theo thời vụ, tất cả số công nhân này đều được hưởng các chế độ ưu đãi và một bữa ăn trưa miễn phí tại công ty.