Đá, sỏi tựu trung hơi thở của thiên nhiên, tuy thô ráp nhưng lại làm nổi bật những khoảng lặng của không gian, mang cốt cách và linh khí thời đại.
Ngày nay, người chơi đá ngày càng nhiều và dường như đá chiếm một vai trò quan trọng trong việc tạo thành những con đường gắn kết những cung bậc cảm xúc giữa con người với thiên nhiên.
Mỗi một loại đá, sỏi đều có những hình thù và màu sắc riêng đặc trưng. Con người đang dần tiếp cận đến tiếng nói riêng của đá thông qua cách bài trí hết sức cầu kỳ, tinh tế, tạo nên một nghệ thuật về chơi đá và thưởng thức đá. Đến với những con đường đá là đến với khoảng không gian hoài cổ, mà ở đó những suy tư về quá khứ, hiện tại và tương lai hoà quyện vào nhau trong một cảm giác rất đỗi yên bình, tĩnh lặng. Những viên đá tuy nằm yên nhưng hồn đá vẫn chậm chạp di chuyển theo năm, tháng, thời gian.
Đường đá thường được bố trí, kết hợp với cây xanh, mặt nước, tiểu cảnh để làm mềm cảnh quan với nhiều dạng thiết kế, chủ yếu tập trung vào 2 dạng chính, đó là kiểu đường thẳng theo hàng lối và đường tự do. Với kiểu đường thẳng theo hàng lối thì các phiến đá sẽ được xẻ thẳng thành những tấm hình vuông, mặt đá được đục nhám để tránh trơn trượt, lát thẳng hàng có thể để mạch lát to để tạo không gian nhỏ cho cỏ, dương xỉ mọc xen kẽ. Kết hợp đá trắng, cạnh nhạt với màu xanh đậm của cây cỏ để làm giảm cảm giác nặng nề của đá.
Ngoài ra, với dạng đường này, cũng có thể xây viền đá thô hai bên lối đi nhỏ ở giữa rải hoàn toàn đá cuội nhỏ (sỏi), làm lối đi vào nhà, hoặc lối đi nội bộ trong vườn. Đá thô xếp, hoặc xây hai bên kết hợp với đèn gốm, đèn đá, đèn vườn giúp định vị và dẫn hướng cũng tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ cao. Với loại hình đường tự do thì thường được bố trí trong vườn cảnh, các phiến đá được xẻ vuông hoặc hình dạng tự do, để tự nhiên, được xếp thành lối đi, theo các dạng hình học kết hợp với đá cuội nhỏ, cây xanh, cỏ nhật, dương xỉ, đèn đá, tạo vẻ đẹp mềm mại của tự nhiên.
Khi chọn đá cần lưu ý chọn những tảng đá có vẻ lâu năm và hoàn toàn tự nhiên; đá để trưng bày thì dùng đá cuội, đá granite, đá hộc…, đá để trồng cây thì dùng đá thấm thuỷ; đá để xây tường, kè dùng khối chữ nhật; đá thác dùng loại dẹt (tạo thêm nước) kết hợp với đá cuội tạo thành suối, đá khối cho bờ suối…
Để đạt hiệu quả trang trí đá, sỏi tại sân vườn cần tăng cường dùng những vật liệu cứng nhân tạo hoặc những sản phẩm điêu khắc đá, khắc gỗ, chậu cảnh, non bộ… và các cảnh quan mềm như trồng cỏ, cây bụi, bồn nước xen kẽ, hỗ trợ nhau. Nếu diện tích sân vườn rộng, bạn có thể lát rải một ít đá cuội có kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau kết hợp trồng nhiều cỏ Nhật, Hàn Quốc. Còn đối với sân vườn hẹp, bạn chỉ nên trồng toàn cỏ Hàn Quốc và lát, rải một ít sỏi nhỏ xung quanh, tạo nên hình ảnh những con đường đá rêu phong hoà lẫn nét không gian kiến trúc sân vườn hiện đại, mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu, xua tan những mệt nhọc của nhịp sống hối hả thường nhật.