HOTLINE:
Lĩnh vực kinh doanh
Lành nghề tăm hương Quảng Phú Cầu: Lấy nghề làm nghiệp
Cập nhật: 27/03/2014
Lượt xem: 1598

“Cần câu cơm của làng”

“Cần câu cơm” là cách gọi hài hước mà những người thợ ở đây chỉ nghề làm tăm hương mà mình đeo đuổi bao năm qua. Được hình thành từ những năm 1958 – 1959, tới năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã cấp bằng công nhận làng nghề cho xã Quảng Phú Cầu.

Vào những năm 1997 – 1998, hoạt động sản xuất tăm hương của làng chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công. Từ năm 1998 trở lại đây, người dân đã từng bước cơ giới hóa các công đoạn sản xuất. Theo ông Lê Văn Soái, Phòng Kinh tế huyện ứng Hòa, máy chẻ tăm giúp những người thợ làm ra được loại tăm tròn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Không chỉ thế, loại máy này còn tăng năng suất lao động gấp nhiều lần. Nếu như trước kia, làm thủ công chỉ cho 60 – 70kg sản phẩm/ngày thì nay sản lượng đã lên gần 10 tấn/ngày. Mỗi năm Quảng Phú Cầu tiêu thụ gần 50.000 tấn nứa, vầu; sản lượng tăm hương của xã lên tới 15.000 tấn/năm, 60% trong số đó được xuất khẩu sang các nước Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan...

Toàn xã có gần 3.000 hộ (13.000 khẩu) thì 90% lao động của xã tập trung làm nghề này, thu nhập trung bình 2-2,5 triệu/người/tháng. Ngoài ra, xã còn thu hút thêm nhiều lao động từ các địa phương khác.

Làm tăm hương là công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất, quyết định sự hoàn thiện về cả chất lượng và mẫu mã của cây hương. Tăm hương sau khi được sản xuất sẽ tiếp tục tới các tỉnh, thành khác, chủ yếu là Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh... để hoàn thiện công đoạn đắp hương. Công đoạn này đòi hỏi nghệ nhân pha chế nguyên liệu cẩn thận. ông Nguyễn Công Trung, chủ cơ sở sản xuất hương Trung Tính cho hay: “Xưởng chúng tôi đều mua tăm từ xã Quảng Phú Cầu về làm hương. Chất liệu tăm hương của làng nghề này rất uy tín”.

Những trăn trở

Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu đầu vào đang cạn kiệt nên làng nghề gặp không ít khó khăn. Không chỉ thế, ô nhiễm môi trường cũng trở thành vấn đề đáng báo động. Dù đã giải quyết được tình trạng tre ngâm làm ô nhiễm nguồn nước nhưng người dân vẫn phải đương đầu với lớp bụi dày đặc của mùn tre nứa thải ra từ máy chẻ công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người lao động.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch các cơ sở sản xuất của làng nghề vẫn còn nhiều bất cập. Thiếu mặt bằng sản xuất, người dân phải phơi tre, nứa, tăm hương tràn lan trên đường. “Mong ước về một cụm công nghiệp làng nghề, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc cũng như mở rộng sản xuất không chỉ là mơ ước của người lao động mà cả của lãnh đạo huyện”, ông Soái chia sẻ.

Về Quảng Phú Cầu những ngày cuối năm, không khí làm việc tất bật hơn hẳn. Những bó tre, nứa được phơi ở khắp nơi; trong sân nhà, hai bên đường, từng bó tăm hương đỏ chói xòe ra rực rỡ. Tại nhiều xưởng, tăm hương được đóng kiện cẩn thận, xếp lần lượt lên các xe hàng chở đi theo mọi hướng.

Về trang trước    Lên đầu trang
Facebook fanpage