HOTLINE:
Lĩnh vực kinh doanh
Tăm hương Quảng Phú Cầu
Cập nhật: 27/03/2014
Lượt xem: 1770

Những chiếc xe công nông chở hàng chạy rầm rập khắp đường làng ngõ xóm, tiếng ù ù phát ra từ những chiếc máy làm tăm, tiếng người gọi nhau í ới trên những con đường đỏ rực, uốn lượn khắp đường làng ngõ xóm… Tất cả tạo nên một khung cảnh hết sức nhộn nhịp.

Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi đến nơi này. Những ai đã từng đến Quảng Phú Cầu, chắc không thể quên được hình ảnh những bó tăm hương nhuộm đỏ, được người dân phơi ven đường đã vô tình tạo nên vẻ đẹp rất riêng của một làng quê ven bờ sông Nhuệ. Chính bởi vẻ đẹp đặc biệt của một làng nghề truyền thống đã có hàng trăm năm ấy, đã khiến những người như chúng tôi mê mẩn, muốn trở lại nơi này.

Đường làng như được trải thảm đỏ

Ngay từ khi bước chân vào thôn Phú Lương, cửa ngõ phía Bắc của xã Quảng Phú Cầu, nơi tiếp giáp với quốc lộ 21B, chúng tôi đã bắt gặp con đường đỏ rực như trải thảm bởi những bó tăm hương vừa được nhuộm, vẫn còn bốc hơi nghi ngút. Anh Lê Văn Nguồn với những động tác rất thuần thục, đưa từng bó tăm hương vào chiếc nồi đang sôi sùng sục, ngoáy đều để cho phẩm mầu nhuộm đều những chiếc tăm hương. Sau khi bó tăm hương được nhuộn đỏ, chị vợ làm nhiệm vụ mang đi phơi. Những bó tăm hương xòe ra như những bông hoa hồng đỏ rực.

 
Đường làng như được trải thảm đỏ ở Quảng Phú Cầu. Ảnh: MN.

Thấy có người lạ, anh Nguồn dừng tay pha trà mời khách. Vẫn bộ quần áo lao động, bàn tay đỏ chót dính đầy phẩm mầu, cầm chén trà nóng nhấp một hớp, anh Nguồn nói: “Loại tăm hương mà gia đình tôi làm là tăm vuông truyền thống, được làm thủ công. Khi những cây nứa được nhập từ Thanh Hóa, Nghệ An về, phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho chín, sau đó vớt lên, rửa sạch rồi mới chẻ thành tăm. Sau khi tăm được chẻ bằng tay, bó thành từng bó (mỗi bó 3.000 que) sẽ được nhuộm đỏ, đóng kiện và giao cho thương lái. Làm loại tăm này mất rất nhiều thời gian, cầu kỳ mà hiệu quả không cao bằng làm tăm tròn, nên bây giờ ít gia đình làm tăm này…”.

Rời thôn Phú Lương, chúng tôi đi sâu vào thôn Đạo Tú, một thôn có nhiều xưởng làm tăm hương nhất xã Quảng Phú Cầu. Lúc này mặt trời đã đứng bóng, nhưng những chiếc xe công nông chở hàng vẫn chạy rầm rập khắp đường làng ngõ xóm. Tiếng ồn phát ra từ những xưởng làm tăm, tiếng công nhân gọi nhau í ới… Tất cả tạo nên một khung cảnh hết sức nhộn nhịp, khẩn trương như một đại công trường đang trong thời kỳ chạy nước rút.

Thấy chúng tôi chụp ảnh con đường làng nhuộm đỏ những bó tăm hương, đám trẻ con đang chơi gần đó chạy ào đến, tạo dáng bắt chúng tôi chụp ảnh. Chụp xong, chúng lại xúm vào, đứng vòng trong vòng ngoài xem của mình trong ảnh thế nào. Rồi chúng lại đùa nghịch như không có chuyện gì xảy ra. Cạnh đó, một nhóm thanh niên tranh thủ giờ nghỉ trưa, mang cặp gà chọi ra bãi đất trống thi đấu. Những tiếng vỗ tay, reo hò từng hồi, nhịp độ lên xuống theo mức độ gây cấn của cặp gà chọi. Nhìn nhóm người đang hào hứng cổ vũ cho cặp “đấu sĩ” gà chọi, tôi chợt nhận ra rằng, dường như Tết đã đến sớm hơn với Quảng Phú Cầu.

Sống, chết với nghề

Về làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, nhiều người không chỉ nhớ đến vẻ đẹp rất riêng, hiếm ở đâu trên đất nước Việt Nam này có được, mà còn vì tấm lòng mến khách của những con người nơi đây. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, anh Đỗ Văn Nam - Trưởng thôn Đạo Tú tỏ ra phấn khởi khi gặp lại người quen cũ. Anh Nam bảo: “So với lần trước anh về, quê tôi giờ đổi thay nhiều lắm. Đường làng, ngõ xóm được mở rộng hơn, các xưởng sản xuất đã được đưa vào một khu tập trung, nên vấn đề ô nhiễm cũng phần nào được cải thiện”.

 
Vợ chồng anh Lê Văn Nguồn, thôn Phú Lương đang nhuộm tăm hương. Ảnh: MN.

Nói về tình hình sản xuất, tiêu thụ của làng nghề, người đứng đầu thôn Đạo Tú bỗng nhiên mất đi sự hào hứng. Anh Nam cho biết, giá nguyên liệu bây giờ tăng cao quá, trong khi giá bán tăng không đáng kể, nên lợi nhuận rất thấp. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhu cầu giảm mạnh, thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn là mấy nước như: Trung Quốc, Ấn Độ,… do đó lượng tiêu thụ trung bình mỗi ngày vẫn chỉ khoảng 200 nghìn tấn, không tăng so với mọi năm. “Dù khó khăn, nhưng người dân chúng tôi vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề”, anh Nam nói.

Cũng giống như suy nghĩ của vị Trưởng thôn Đỗ Văn Nam, chị Nguyễn Thị Miền, chủ một doanh nghiệp thuộc diện lớn nhất Quảng Phú Cầu tỏ ra khá trầm ngâm khi nói về công việc kinh doanh của mình. Chị Miền cho biết, giá thu mua tăm tròn nguyên liệu hiện nay là 23.000 đồng/kg, về thuê người nhuộm đỏ, phơi khô và đóng kiện hoàn thiện xuất đi Thái Bình, Hải Dương giá chỉ 24.500 đồng/kg, được lãi 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí trả nhân công, hao hụt mất khoảng 1.000 đồng/kg, còn lại chỉ được lãi 400-500 đồng/kg. Nhưng đấy là suôn sẻ, có lúc thời tiết không thuận lợi, bạn hàng ép giá thì chỉ có hòa vốn, thậm chí lỗ.

Mặc dù vậy nhưng tôi cũng chưa có ý định chuyển nghề khác. Vì từ nhỏ đến giờ chúng tôi có biết làm nghề gì khác đâu ngoài cái nghề này đâu. Thằng con trai tôi cũng thế. Đi bộ đội về, lấy vợ rồi cũng theo nghề của của bố mẹ. Dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng chúng tôi vẫn quyết bám trụ với nghề”, chị Miền chia sẻ.

Mong sớm thành lập Hiệp hội làng nghề

Để tìm hiểu rõ hơn về nghề tăm hương, nhờ Trưởng thôn Đỗ Văn Nam giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Hữu Dân ở thôn Đạo Tú. Cụ Dân năm nay đã bước sang tuổi 75. Nhưng hàng ngày cần mẫn đan từng chiếc rá để bán cho các lái buôn. Khi chúng tôi đến nhà, cụ đang cạp những chiếc rá cuối cùng để kịp giao hàng cho khách. Cụ bảo, đây là công đoạn khó nhất của chiếc rá, phải là người có kinh nghiệm mới có thể làm được.

Vừa làm, cụ Dân vừa nói chuyện với chúng tôi về nghề, về cái ngọn nguồn của cái nghề tăm hương nức tiếng của làng mình. Cụ Dân bảo, mình còn sức, còn phải làm. Làm để kiếm thêm thu nhập, làm để giữ lấy cái nghề truyền thống của gia đình. “Tôi không biết chính xác nghề này nó có từ bao giờ, nhưng từ thời ông nội tôi còn sống đã có cái nghề này. Tính đến nay, làng nghề đã tồn tại được khoảng 300 năm tuổi rồi. Ban đầu chỉ đơn thuần là nghề đan lát rổ rá, nhưng sau này phát triển thành nghề làm tăm hương như hiện nay”, cụ Dân nói.

Cụ Nguyễn Hữu Dân, nghệ nhân cao tuổi của làng đang cạp những chiếc rá, công đoạn khó nhất, chỉ người có kinh nghiệm mới có thể làm được. Ảnh: MN.

Sống gần hết đời người, đã chứng kiến nhiều thăng trầm của nghề. Điều mà cụ Dân băn khoăn hiện nay, đó là dù đã được thành phố công nhận là làng nghề, nhưng vẫn chưa thành lập được hiệp hội làng nghề, nên việc làm ăn, kinh doanh của người dân vẫn mang tính tự phát. “Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, thì làng nghề rất có khả năng thất truyền. Vì nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, mà đã thiếu nguyên liệu thì làm sao làng nghề có thể tồn tại được? Chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc với các cụ cao niên, với những người có trách nhiệm, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thể thành lập được hiệp hội làng nghề…”, cụ Dân chia sẻ.

Chúng tôi rời làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu vào lúc xế chiều, những chiếc xe công nông vẫn xình xịch chở hàng. Một vài chiếc xe tải đã đỗ sẵn ở bãi đất trống đầu làng để chờ “ăn” hàng… Mọi hoạt động vẫn diễn ra đều đặn như mọi ngày. Nhưng điều đọng lại với chúng tôi trong chuyến đi này, đó là những băn khoăn, trăn trở của cụ Dân. Giá như chính quyền địa phương quan tâm hơn đến người dân, đến tương lai của một làng nghề, thì những người như cụ Dân sẽ vui hơn, yên tâm hơn để “giữ lửa” cho làng./.

Về trang trước    Lên đầu trang
Facebook fanpage